Các nước ôn hòa trước tên lửa của Ấn ĐộBắc Kinh nói Trung Quốc và Ấn Độ là không phải là đối thủ mà là đối tác, sau khi New Delhi phóng thành công tên lửa tầm xa. Pakistan và Mỹ cũng chỉ phản ứng ôn hòa.
> Ấn Độ phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân

Tên lửa Agni-V của Ấn Độ bắt đầu rời bệ phóng hôm qua. Ảnh: APBộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay nước này đã theo dõi về vụ phóng tên lửa trên nhưng bác bỏ bất kỳ sự đối đầu nào giữa Trung-Ấn trong động thái này. Video Ấn Độ phóng tên lửa Agni-V"Trung Quốc và Ấn Độ đều là các cường quốc mới nổi. Chúng tôi không phải là đối thủ mà là đối tác", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói. Ông cho rằng Ấn Độ và Trung Quốc nên hợp tác với nhau như những đối tác chiến lược và nắm bắt cơ hội để phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương. Hôm qua, tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa Agni-V của Ấn Độ đã rời bệ phóng ở bang phía đông Orissa lúc 8h05 giờ địa phương. Tên lửa Agni-V dài 17,5 m, nặng 50 tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng tới 1,5 tấn, có tầm hoạt động lên đến 5.000 km, nghĩa là đủ sức để vươn đến các mục tiêu gần như toàn châu Á. Tương tự Trung Quốc, Pakistan, nước láng giềng nằm trong phạm vi của tên lửa Agni-V, cũng tỏ ra lo ngại sau vụ phóng thử hôm qua. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này chỉ cho hay Ấn Độ đã thông tin cho Pakistan về kế hoạch phóng tên lửa trước thời gian mà hai bên đã thống nhất theo thỏa thuận. Trong khi đó, phát ngôn viên của Nhà Trắng Jay Carney lên tiếng yêu cầu "các nước có vũ khí hạt nhân kiềm chế và phản đối những hành động có khả năng gây mất ổn định cho khu vực Nam Á". So sánh với phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 13/4, ông Carney cho rằng trường hợp của New Delhi hoàn toàn khác. Chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là đối tượng chịu lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Triều Tiên bị cấm thử nghiệm tên lửa và bị cáo buộc bán tên lửa và công nghệ hạt nhân cho các nước khác. Ấn Độ chưa ký vào Hiệp ước Chống phổ biến Vũ khí hạt nhân vì thế nước này không vi phạm thỏa thuận. Mỹ trên thực tế đã chấp nhận Ấn Độ như một cường quốc hạt nhân và Ấn Độ cũng cam kết không trao đổi vũ khí với các quốc gia khác. Sau khi Ấn Độ thử quả bom hạt nhân đầu tiên năm 1974, Washington đã áp đặt lệnh trừng phạt với nước này trong một phần tư thế kỷ. Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt và ký thỏa thuận cho phép trao đổi hạt nhân dân sự với Ấn Độ năm 2008.AP cho hay tên lửa Agni-V của Ấn Độ hôm qua đã đạt đến độ cao hơn 600 km, ba tầng tên lửa hoạt động tốt. Giới chức Ấn Độ tuyên bố sau vụ phóng tên lửa thành công này, New Delhi đã nổi lên như một cường quốc tên lửa và sánh vai cùng một số ít các quốc gia có khả năng phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Mỹ. Nước này khẳng định chính sách không động binh trước và vũ khí hạt nhân chỉ mang tính chất ngăn chặn chiến tranh. Anh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét